Các nhiệm vụ khác
liên kết website
Lượt truy cập
 Lượt truy cập :  13079543
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ

Điều tra khảo sát các loại cây cho chất nhuộm tự nhiên ở Lâm Đồng và khả năng ứng dụng của nó trong ngành nhuộm dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa

Bộ Giáo dục và Đào tạo

UBND Tỉnh Lâm Đồng

Tỉnh/ Thành phố

ThS. Hoàng Thị Bình

TS. Nông Văn Tiếp; ThS. Lương Văn Dũng; ThS. Nguyễn Văn Ngọc; CN. Trần Thị Nhung

2011

Lâm Đồng

Tài nguyên thực vật cho màu nhuộm là nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp chất nhuộm cho người dân Việt Nam trước đây, đặc biệt là người dân thuộc các đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Đồng là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các ngành nghề truyền thống như nhuộm màu tự nhiên cho sản phẩm vải vóc, dệt vải thổ cẩm, làm rượu cần v.v...Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội thì các sản phẩm thổ cẩm không còn mang bản sắc dân tộc như xưa nữa mà đã bị biến tướng thành các sản phẩm thổ cẩm được nhuộm bằng màu hoá học đa dạng về màu sắc. Điều này làm cho các cây tài nguyên cho chất nhuộm, các quá trình nhuộm màu tự nhiên dần bị mai một đi theo thời gian và theo từng thế hệ. Khi đề tài được thực hiện đã góp phần giải quyết được những vấn đề trên để phổ biến cho người dân thuộc cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số về cây tài nguyên cho chất nhuộm và quá trình nhuộm các màu tự nhiên của ông cha họ, từ đó nhằm gìn giữ nét văn hoá riêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cũng như sự độc đáo cho các sản phẩn của họ.
Các công trình nghiên cứu về tài nguyên cây cho chất màu tự nhiên cũng như quá trình nhuộm màu tự nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng còn rất ít nên đề tài tập trung vào điều tra về các cây cho màu cũng như các quá trình nhuộm màu tự nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số trong 40 xã thuộc 10 huyện của tỉnh Lâm Đồng. Bước đầu phát hiện và mô tả được 35 loài cây cho chất nhuộm thuộc 25 họ thực vật, trong đó có 7 nhóm màu là xanh, đỏ, tím, vàng, đen, chàm, nâu. Xây dựng bản đồ địa điểm phân bố của các loài cây này cũng như xây dựng bộ tiêu bản thực vật khô gồm 105 tiêu bản của 35 loài cây cho màu này.
Tiến hành thiết lập ba quy trình tách chiết chất màu tự nhiên, hai quy trình nhuộm màu tự nhiên là quy trình nhuộm màu chàm và màu đen lên sợi cotton dựa trên cơ sở điều tra quá trình nhuộm vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Đề tài đã lần đầu tiên đưa ra quy trình nhuộm màu tự nhiên lên sợi cotton dựa trên quy trình của dân gian và lần đầu tiên đưa ra thành văn bản.
Nhóm đề tài cũng đã tiến hành xác định các dung môi tách chiết chất màu cho các loài cây cho màu ở Lâm Đồng và cũng đã thu được một số loại màu để sử dụng cho việc nhuộm lên sợi cotton. Sau khi nhuộm màu tự nhiên lên sợi cotton đã tiến hành đánh giá độ bền của sợi đối với các tác nhân vật lý, hoá học và thấy rằng sợi sau khi nhuộm màu tự nhiên bền với những tác nhân này. Từ các sợi nhuộm màu tự nhiên nhóm đề tài đã cho đồng bào dệt thành các sản phẩm thổ cẩm và bước đầu tiến hành đánh giá thị hiếu của người dùng thì thu được kết quả tốt, tức là đa số người tiêu dùng được hỏi đều đánh giá cao về mọi mặt như độ an toàn, đẹp mắt, giá trị về văn hoá của các sản phẩm thổ cẩm nhuộm màu tự nhiên mà chúng tôi đã tiến hành nhuộm dệt. Tuy vậy, vẫn cần phải có các nghiên cứu và đánh giá tiếp theo về sản phẩm thổ cẩm nhuộm bằng màu tự nhiên.
Qua thời gian thực hiện đề tài, cho thấy Lâm Đồng có số loài cây cho chất nhuộm tự nhiên cao và có nhiều loại màu tự nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng có sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số rất độc đáo là nhuộm bằng màu tự nhiên tuy nhiên đang dần bị mất đi và không được tư liệu hoá để truyền lại cho các thế hệ sau về các cây cho màu cũng như quy trình nhuộm màu tự nhiên. Kết quả nghiên cứu là tư liệu quý để góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng bảo tồn được nghề nhuộm màu tự nhiên cho sản phẩm thổ cẩm, gìn giữ được nét bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình.
Đề tài cũng kiến nghị về phía các cấp quản lý cần có những quy hoạch cụ thể về trồng các cây cho chất nhuộm tự nhiên, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho người dân để họ gìn giữ, phát triển và làm giàu trên chính sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.

chất nhuộm tự nhiên, ngành nhuộm dệt vải thổ cẩm

VN-SKHCNLD

59/KQNC-LĐ