Vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang được xác định là vùng địa lý - hành chính của 35 xã/thị trấn (Khmer: 27 xã/thị trấn và Chăm: 8 xã) thuộc 7 huyện/thị xã (Trị Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, Châu Phú, Châu Thành và Thoại Sơn) của tỉnh An Giang. Đây là vùng đất giàu tiềm năng, đa dạng nguồn lực tự nhiên (đồng bằng, sông nước, núi rừng, khoáng sản, thủy sản…), nguồn lực con người (Khmer, Chăm, Kinh, Hoa) và đa dạng về văn hóa, đa tôn giáo. Vùng này có lợi thế trong hoạt động kinh tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản), lâm nghiệp (trồng và khai thác rừng, cây dược liệu), khai thác khoáng sản (vật liệu xây dựng…), phát triển kinh tế biên giới, du lịch nội vùng, liên vùng, xuyên biên giới và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng biên ở biên giới phía Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cư dân, nhất là người nghèo; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, ổn định chính trị - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên. Vì thế, đề tài “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020” tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang hiện nay, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; lựa chọn các dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 nhằm phục vụ cho Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/10/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đến năm 2010, định hướng đến năm 2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 -2015. Trên cơ sở tiếp cận nghiên cứu vùng - tộc người, nghiên cứu trường hợp mỗi dân tộc, đề tài áp dụng phương pháp điều tra, chọn mẫu ngẫu nhiên bằng bản hỏi 600 hộ gia đình Khmer, Chăm kết hợp với các phương pháp quan sát tham dự tại các cộng đồng xã/ấp, phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm tập trung đối với các vị lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp của tỉnh An Giang, các vị chức sắc tôn giáo và người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang để tìm hiểu, phân tích và đánh giá về: - Các yếu tố và điều kiện nội sinh về thiên nhiên, môi trường, dân cư, dân số và nguồn nhân lực, những vấn đề lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer, Chăm tỉnh An Giang - Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm về lao động, việc làm, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức sống cư dân, tình trạng thiếu lương thực; về tổ chức quản lý xã hội truyền thống, vấn đề nghèo đói, phân hóa giàu nghèo và phân tầng xã hội trong đồng bào dân tộc Khmer, Chăm; về thực trạng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang. - Đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang, được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án mục tiêu Quốc gia và địa phương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và việc làm; về phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành du lịch; về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, chăm sóc y tế, thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, giải quyết những vấn đề an ninh chính trị và an toàn xã hội; về phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang. - Xây dựng quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang, gồm các nhóm giải pháp về kinh tế và môi trường, về xã hội và con người, về văn hóa và tôn giáo. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất các dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội kinh tế - xã hội vùng dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 như sau: Dự án 1: “Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi, kết hợp thực hiện công tác khuyến nông, khuyến ngư và khuyến lâm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”. Dự án 2: “Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020” Dự án 3: “Phát triển du lịch sinh thái - văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học, thiết chế văn hóa, làng nghề, nghề thủ công và lễ hội truyền thống vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020” Dự án 4: “Đào tạo nghề kết hợp với giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động phổ thông trong đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”. Dự án 5: “Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”. Dự án 6: “Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”. Dự án 7: “Tăng cường năng lực cán bộ ở cơ sở xã/thị trấn và áp/khóm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020”.