Thông qua các nghiên cứu khác nhau trong đề tài, chúng tôi đã chỉ ra những phát hiện quan trọng như sau. Thứ nhất, việc không nhất quán trong việc thực thi và theo đuổi các mục tiêu chính sách có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế theo các khía cạnh khác nhau. Các khía cạnh được phân tích trong đề tài bao gồm chi phí của sự phân tán giá, sự thu hẹp của vùng ổn định kinh tế, chi phí phúc lợi của nền kinh tế. Chúng tôi đưa ra ba kênh phân phối quan trọng mà thông qua đó lạm phát xu hướng thay đổi có thể gây ra những tác động tiêu cực của nền kinh tế. Ba kênh phân phối này bao gồm: giá cả, mức lương và tín dụng. Kết quả nghiên cứu trong đề tài đã chỉ ra rằng kênh mức lương (thông qua hợp đồng lương cứng nhắc) và kênh tín dụng (thông qua ràng buộc tín dụng đối với doanh nghiệp) là những kênh phân phối quan trọng. Nếu bỏ qua các kênh này, tác động của lạm phát xu hướng thay đổi tới nền kinh tế là không đáng kể.
Bên cạnh những tác động tiêu cực do lạm phát xu hướng gây ra, chúng tôi cũng cung cấp các phân tích thực nghiệm chỉ ra hậu quả của vấn đề rủi ro chính sách xuất phát từ cú sốc chính sách tiền tệ và cú sốc chính sách tài khóa (thông qua chi tiêu chính phủ). Tương tự như các nghiên cứu khác, chúng tôi ghi nhận tác động tiêu cực của cú sốc này tới cả thị trường vĩ mô và thị trường tài chính. Sự tồn tại của vấn đề này gây ra nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Bên cạnh việc mô phỏng phản ứng của nền kinh tế trước các cú sốc rủi ro chính sách, chúng tôi cũng cung cấp phân tích định lượng liên quan tới việc đo lường chi phí phúc lợi cú sốc này. Để đánh giá những yếu tố có thể tác động tới loại chi phí này, nghiên cứu trong từng chương bổ sung thêm phần phân tích độ nhạy để đánh giá sự thay đổi của chúng tới sự thay đổi một vài tham số quan trọng trong mô hình. Các tham số trong mô hình này mang những thông tin quan trọng và thông qua đó chúng ta có thể biết được nhân tố nào ảnh hưởng mạnh mẽ tới chi phí của rủi ro chính sách.
Một trong những đóng góp quan trọng của đề tài này là chỉ ra được sự tương tác giữa lạm phát xu hướng với các cú sốc cấu trúc thông thường (trong đó đặc biệt là cú sốc lạm phát xu hướng và cú sốc tài chính) và các cú sốc rủi ro chính sách (cú sống phương sai thay đổi theo thời gian của các cú sốc cấu trúc về chính tiền tệ và chính sách tài khóa). Đây là một quá trình tương tác hai chiều. Một mặt, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng của lạm phát xu hướng làm cho các hậu quả gây ra bởi cả cú sốc cấu trúc thông thường và cú sốc rủi ro chính sách trở nên nghiêm trọng hơn. Sự nghiêm trọng này được đánh giá thông qua phản ứng của nền kinh tế đối với các cú sốc này và chi phí phúc lợi mà chúng gây ra. Mặt khác, chúng tôi cũng ghi nhận một bằng chứng rằng các hạn chế tài chính đối với doanh nghiệp (cú sốc tài chính) tồn tại hay rủi ro chính sách lại có tác động tương tự tới các hậu quả mà vấn đề lạm phát xu hướng thay đổi gây ra. Sự tồn tại của các vấn đề này cũng khuếch đại hậu quả của lạm phát xu hướng thay đổi gây ra.
Các kết quả trong đề tài sẽ cung cấp các hàm ý chính sách quan trọng đối với người thực thi chính sách và các nhà nghiên cứu kinh tế. Dựa theo kết quả nghiên cứu, chúng tôi cung cấp các khuyến nghị chính sách như sau. Thứ nhất, kết quả liên quan tới một mức độ đáng kể về chi phí phúc lợi do lạm phát xu hướng thay đổi gây ra hàm ý rằng các đề xuất của Ngân hàng trung ương nhằm nâng tỷ lệ lạm phát mục tiêu có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Việc thiết lập tỷ lệ này ở một mức khác không là phù hợp với thực tiễn thực hiện chính sách tiền tệ tại các quốc gia. Tuy nhiên, sau khi thiết lập mục tiêu
này thì chính phủ và cơ quan quyền lực cần thực hiện cam kết thực hiện nó thay vì thay đổi mục tiêu này theo thời gian. Các thay đổi này có thể kéo theo sự thay đổi về kỳ vọng về lạm phát trong dài hạn của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Như vậy, tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách sau đó có thể giảm mạnh. Và hậu quả có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu nền kinh tế đang trải qua những bất ổn chính sách. Chúng tôi đề xuất rằng, chính phủ cùng với cơ quan thực hành chính sách cần cam kết thực hiện các mục tiêu nói chung và các mục tiêu liên quan đến lạm phát nói riêng để tránh làm gia tăng tác động của vấn đề rủi ro chính sách tới nền kinh tế.
Quả thật, sự thay đổi các mục tiêu chính sách đôi khi là cần thiết để phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế một quốc gia. Chúng tôi đề nghị rằng các đề xuất liên quan tới thay đổi mục tiêu chính sách chỉ nên cân đối khi nền kinh tế đang ở trạng thái ổn định. Khi nhà nước muốn thay đổi các mục tiêu này thì cần làm hai việc. Thứ nhất, phải có kế hoạch thông báo trước khi thay đổi chính thức một thời gian để người dân nắm được kế hoạch và các bước đi của nhà nước. Điều này sẽ góp phần ổn định kỳ vọng của người dân liên quan tới các mục tiêu này, như vậy khi đưa ra những thay đổi thì tác động của nó cũng hiệu quả hơn. Thứ hai, cần có bộ chính sách hỗ trợ đi kèm để khắc phục những hậu quả có thể xảy ra cho nền kinh tế. Đề tài này đã chỉ ra rằng hai cơ chế truyền tải quan trọng tác động của lạm phát xu hướng tới nền kinh tế đó là thông qua mức lương và tín dụng. Vì vậy, những giải pháp chính sách đi kèm cần tập trung, ưu tiên hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan tới mức lương của người lao động và các vấn đề liên quan giải quyết khó khăn tài chính cho doanh nghiệp. Các bộ chính sách cụ thể cần nghiên cứu cẩn thận và thông báo đi kèm khi Nhà nước chính thức đưa ra những điều chỉnh trong mục tiêu của mình. Các bước đi song song như vậy có thể giúp ổn định tâm lý người dân, khắc phục được hậu quả tiềm tàng mà nó có thể đem lại và quan trọng hơn các chính sách này có thể đạt được mục tiêu mới như mong đợi.