Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, điều hành giá lúa gạo phải đảm bảo người sản xuất lúa có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất. Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được vận động bằng mối liên kết 4 nhà. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vốn trong việc tạm trữ lúa với mục tiêu làm lợi cho nông dân. Tuy nhiên rất ít nông dân tiêu thụ sản phẩm của họ thông qua hợp đồng, những quyết định, chính sách tạm trữ chưa mang lại hiệu quả cho nông dân. Chính vì thế cho nên đề tài nghiên cứu đặt ra mục tiêu chính là "Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phát triển tạm trữ lúa của nông hộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Với các nội dung như:
a) Luận giải cơ sở khoa học về tạm trữ lúa jtrong nông hộ ở ĐBSCL nhằm làm rõ khái niệm hộ nông dân, khái niệm về tạm trữ lúa gạo và ý nghĩa vai trò của việc tạm trữ lúa trong nông hộ ĐBSCL. Xác định đặc điểm và các nhân tố (nhân tố chủ quan, nhân tố khách quan…) ảnh hưởng đến tạm trữ lúa trong nông hộ. Bên cạnh đó là thu thập tài liệu học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc đề xuất chính sách hỗ trợ tạm trữ lúa/ ngũ cốc cho nông dân, từ đó đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào trong chính sách cho Việt Nam.
b) Phân tích thực trạng tạm trữ lúa, đánh giá khả năng tạm trữ lúa của nông hộ ĐBSCL nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến tạm trữ lúa của nông hộ ĐBSCL bằng việc xem xét các yếu tố liên quan như: đặc điểm nhân khẩu, diện sản xuất lúa; đặc điểm hệ thống canh tác lúa. Song song với nghiên cứu trên là tìm hiểu các yếu tố có ảnh hưởng đến tạm trữ như: phương pháp thu hoạch, phương pháp xử lý làm khô sản phẩm sau thu hoạch; phương pháp tạm trữ lúa của nông hộ… Ngoài ra đề tài còn xác định những khó khăn như: vốn phục vụ cho sinh hoạt đời sống và sản xuất, hình thức phương tiện và khả năng trữ lúa, thực hiện và hưởng lợi từ chính sách hay việc tiếp nhận thông tin từ cơ quan quản lý của nhà nước… mà hộ nông dân ĐBSCL gặp vướng mắc nếu thực hiện chính sách tạm trữ lúa. Từ những số liệu nghiên cứu liên quan sẽ có những phân tích báo cáo khoa học trung thực về thực trạng tạm trữ lúa hiện nay cảu nông hộ ở ĐBSCL để đề ra những giải pháp khả quan nhất trong việc xây dựng chính sách tạm trữ.
c) Đề xuất chính sách bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp tạm trữ lúa của nông hộ để nâng cao lợi ích cho nông dân như: chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất cho nông hộ tham gia sản xuất cánh đồng mẫu lớn tạm trữ lúa. Phát triển dịch vụ tạm trữ cho nông dân có diện tích vừa và nhỏ. Tăng cường khả năng đầu tư kỹ thuật, máy sấy, kho chứa đảm bảo nhu cầu làm khô, gửi lúa trong thời gian thu hoạch rộ ở ĐBSCL. Chính sách thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó là thông tin giá cả, dự báo giá cả lúa gạo theo thời gian để nông dân có thể tự quyết định việc bán sản phẩm lúa của mình ở thời điểm thích hợp. Tất cả các đề xuất trên nhằm đảm bảo các Nghị định, Quyết định và chính sách của Chính phủ được thực hiện một cách hiệu quả, triệt để và đem lại lợi ích cho hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.
d) Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ tạo căn cứ khoa học cho: Các nhà hoạch định chính sách về tạm trữ lúa cho nông dân ĐBSCL. Đồng thời chính phủ cũng có cơ sở cho hình thức tạm trữ lúa hiệu quả. Nghiên cứu này sẽ giúp cho nông dân có thể tạm trữ được lúa chờ mức giá có lợi cho họ, góp phần nâng cao lợi nhuận từ sản xuất lúa.