Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong tiến trình phát triển chung của quốc gia và các tộc người, nhất là từ Đổi mới năm 1986 đến nay, cùng với sự thay đổi tích cực, to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cũng nảy sinh nhiều vấn đề nhạy cảm, nguy cơ tiềm ẩn khó lường về văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo,... Đặc biệt là sự chuyển đổi nhanh chóng của tín ngưỡng truyền thống và một số tôn giảo ở một bộ phận người dân các tộc người cả thiểu số và đa số, là một trong những yếu tố góp phần phát triển các cộng đồng tộc người - tôn giáo (hay tôn giáo - tộc người) ở nước ta trong thời gian qua. Điều đó dẫn đến những ảnh hưởng tích cực nhưng cũng ẩn chứa các yếu tố xã hội phức tạp, gây ra nhiều thách thức về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người và văn hóa chung của dân tộc Việt Nam; tác động tới an ninh chính trị, trật tự xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân tộc;... Thực tế đó đặt ra nhu cầu cần nhận diện các đặc điểm cơ bản và đánh giá những ảnh hưởng chủ yếu của các cộng đồng tộc người - tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất một số định hướng chính sách dân tộc - tôn giáo trong bối cảnh của đất nước, khu vực và thế giới hiện nay. Bài viết này bước đầu tiếp cận các nội dung nêu trên dưới góc nhìn Dân tộc học.