Trong dân gian Việt Nam, Ké hoa đào (Urena lobata) là một loài dược liệu thường được sử dụng trong điều trị các bệnh về viêm khớp hay giảm mỡ trong gan và máu. Hiện nay trên thế giới cũng đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tiềm năng của loài cây này về hoạt tính sinh học. Đặc biệt, rễ luôn là bộ phận có hoạt tính cao nhất so với toàn cây hoặc các bộ phận khác. Vì vậy, áp dụng các kĩ thuật công nghệ sinh học hiện đại trong tăng sinh khối rễ Ké hoa đào có thể được xem là bước phát triển đầy tiềm năng trong việc chủ động thu nhận sinh khối. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành khảo sát một số yếu tố tác động đến khả năng tăng trưởng của rễ bao gồm mật độ nuôi cấy ban đầu, ánh sáng, môi trường khoáng và nồng độ sucrose, từ đó cải thiện một số yếu tố trong nuôi cấy nhân sinh khối rễ tơ Ké hoa đào. Kết quả cho thấy, mật độ nuôi cấy ban đầu (10 g/L), ánh sáng (cường độ 3000 lux), môi trường nuôi cấy WPM giữ nguyên nồng độ khoáng đa lượng bổ sung 4 % sucrose là thích hợp cho sự tăng sinh khối rễ. Khi áp dụng kết hợp các yếu tố đã được cải thiện, chúng tôi có thể thu nhận được sinh khối rễ tơ với trọng lượng tươi tăng 2,01 lần và khô tăng 1,94 lần so với điều kiện nuôi cấy ban đầu.