Tía tô (Perilla frutescens) – một loài thực vật thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) – được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền để chữa nhiều loại bệnh thường gặp (cảm lạnh, đau đầu, ho, đầy bụng, chướng bụng, ngộ độc, …) do chứa nhiều hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học. Khi tiến hành điều chế cao ethanol từ các cơ quan rễ, thân và lá rồi khảo sát khả năng kháng oxi hóa bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH và khả năng kháng khuẩn bằng phương pháp đục lỗ thạch, kết quả cho thấy cao chiết ethanol từ các cơ quan cây Tía tô đều có hoạt tính kháng oxi hóa và kháng khuẩn. Bằng các phản ứng đặc trưng, tất cả cao chiết ethanol từ rễ, thân và lá Tía tô đều có chứa các nhóm phenol, flavonoid, saponin, alkaloid và glycoside, nhưng triterpenoid chỉ có ở lá. Các hợp chất thứ cấp này có liên quan đến hoạt tính kháng oxi hóa và kháng khuẩn của cây Tía tô. Bên cạnh đó, khi thử nghiệm khả năng cảm ứng tạo rễ tơ bằng chủng vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes ATCC 15834 trên các cơ quan cây Tía tô thì lá là cơ quan tạo rễ tơ tốt nhất (67,67 ± 3,51% số mẫu cảm ứng tạo rễ tơ). Hiệu quả tạo rễ tơ ở lá cao nhất với thời gian ngâm mẫu 20 phút và đồng nuôi cấy trong 72 giờ. Các kết quả này là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo liên quan đến nuôi cấy rễ tơ để thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học.