Thí nghiệm ở in vitro với dịch dạ cỏ từ 3 con dê cái lai F2 Saanen (Saanen Bách Thảo) được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của lá mít trong khẩu phần lên tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất, lên men dạ có và sinh khí methane (CH4). Thí nghiệm được thiết kế với mô hình hoàn toàn ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức (NT) và 3 lần lặp lại. Các NT trong thí nghiệm là sự thay thế lá mít cho cỏ Sả ở các mức 0, 20, 40, 60, 80 và 100%; tương ứng với các NT1-6. Kết quả cho thấy NT5 và NT6 làm giảm (P<0,01) lượng khí methane và đồng thời làm tăng (P<0,05) lượng axít béo bay hơi (VFA) sinh ra. NT5 có tỷ lệ tiêu hóa thật và tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính ở in vitro tốt nhất (P<0,01). Từ kết quả thí nghiệm có thể kết luận rằng 80% lá mít thay thế cỏ Sả trong khẩu phần là giải pháp hiệu quả để làm giảm lượng khí methane thải ra môi trường, tăng hàm lượng VFA dạ có và cải thiện tỷ lệ tiêu hóa ở in vitro.