Sản xuất phân hữu cơ từ chất thải biogas để tạo ra nguồn phân bón và giải quyết ô nhiễm môi trường là vấn đề quan trọng hiện nay. Do đó, nghiên cứu được thực hiện với mục đích đánh giá ảnh hưởng của việc phối trộn một số vật liệu ủ đến chất lượng của phân hữu cơ từ chất thải biogas và từ đó xác định được vật liệu phối trộn cho chất lượng phân hữu cơ từ chất thải biogas tốt nhất. Thí nghiệm được tiến hành tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 trên 6 công thức với các vật liệu và tỷ lệ ủ khác nhau. Thí nghiệm gồm có 03 lần nhắc lại, bố trí theo kiểu RCBD. Kết quả nghiên cứu cho thấy vật liệu và tỷ lệ ủ khác nhau có ảnh hưởng đến tính chất lý, hóa học của phân hữu cơ từ chất thải biogas theo thời gian ủ. Trong các vật liệu ủ thì kết hợp rơm rạ, vỏ lạc với dung dịch và chất cặn hầm ủ biogas (11) + chế phẩm Trichoderma và rơm rạ, vỏ lạc, than bùn với dung dịch và chất cặn hầm ủ biogas (112) + chế phẩm Trichoderma cho chất lượng của phân hữu cơ là tốt nhất (N 2,72 - 2,92%; P2O5 0,92%; K2O 2,84 - 4,64%, OM 33,50 - 38,84%). Hiệu quả kinh tế trong sản xuất phân hữu cơ từ chất thải biogas thu được cũng cao nhất ở các công thức này. Cần mở rộng kết quả nghiên cứu trên quy mô lớn hơn và thử nghiệm hiệu quả của nó với cây trồng góp phần tăng năng suất, cải tạo đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải chăn nuôi này.