Đề tài nghiên cứu này nhằm xác định sự phân bố và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm sán lá sinh sản trên đàn vịt nuôi tại tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tổng số 960 con vịt đã được mổ khám để xét nghiệm túi Fabricius và ống dẫn trứng. Kết quả là đã phát hiện được 292 vịt nhiễm sán, với tỷ lệ nhiễm chung ở 3 tỉnh là 30,41%, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm này giữa 3 tỉnh nghiên cứu. Tỷ lệ nhiễm sán lá sinh sản trên vịt phụ thuộc vào nhóm tuổi, vịt ở nhóm từ 9-24 tuần và >24 tuần tuổi bị nhiễm sán cao hơn so với vịt ở nhóm ≤ 8 tuần tuổi; vịt nuôi ở vùng đồng bằng bị nhiễm (36,25%) cao hơn so với vịt nuôi ở vùng đồi núi (24,58%); vịt nuôi ở mùa mưa bị nhiễm (38,33%) cao hơn so với vịt nuôi ở mùa khô (22,8%); vịt nuôi theo phương thức bán chăn thả có tỷ lệ nhiễm (38,96%) cao hơn so với vịt nuôi nhốt (21,87%); không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giữa giống vịt siêu trứng (30,83%) và giống vịt siêu thịt (30%).