Lớp lót bên trong giầy dép là lớp vật liệu tiếp xúc với bàn chân, ngấm hút hơi ẩm và mồ hôi bàn chân thải ra, là môi trường tốt cho vi khuẩn và nấm mốc có hại phát triển. Do đó, sản phẩm giầy dép có khả năng kháng khuẩn và nấm mốc đang được người tiêu dùng quan tâm. Để chế tạo loại da lót giầy có tính năng này, nano bạc tổng hợp xanh từ dịch chiết lá trầu không được sửdụng như tác nhân kháng khuẩn, kháng nấm đểxửlý da lợn thuộc mộc theo các phương pháp ngấm ép, ngâm tẩm và phun phủ. Ảnh hưởng của các phương pháp xử lý đến các tính chất của da được đánh giá thông qua sự thay đổi màu sắc và 9 tính chất cơ lý của da. Các phương pháp thử nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Các số liệu thí nghiệm cũng được so sánh với yêu cầu của vật liệu làm lớp lót giầy theo tiêu chuẩn TCVN 8842:2011 (ISO 20882:2007). Kết quả cho thấy, các mẫu da sau xửlý đều đáp ứng yêu cầu đểlàm lớp lót giầy. Nhìn chung, các phương pháp xửlý không ảnh hưởng đến các tính chất cơ lý, nhưng có ảnh hưởng đến màu sắc của mẫu da sử dụng trong nghiên cứu này. Phương pháp phun có ưu điểm hơn các phương pháp ngấm ép và ngâm tẩm khi làm thay đổi ít nhất màu sắc da, tăng khả năng thông hơi và không làm giảm độ mềm của da.