Mục tiêu: Mục tiêu nghiên cứu là mô tả thực trạng tự chăm sóc của người bệnh đái tháo đường típ 2 tại cộng đồng tỉnh Nam Định năm 2024 và xác định một số yếu tố liên quan đến hành vi tự chăm sóc của họ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 300 người bệnh đái tháo đường típ 2. Sử dụng phương pháp chọn mẫu chủ đích tại 3 xã (xã Giao Hải, xã Nam Vân, Thị trấn Mỹ Lộc) của tỉnh Nam Định, thời gian lấy số liệu từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024. Sau đó chọn thuận tiện người bệnh đái tháo đường típ 2 tại 3 xã cho đến khi đủ số mẫu. Kết quả tự chăm sóc tốt khi tổng số điểm đạt (6,1 – 7,0); tự chăm sóc khá với tổng điểm đạt (4,1 – 6,0); tự chăm sóc trung bình đạt (2,1 – 4,0); tự chăm sóc kém đạt (0 – 2,0). Các dữ liệu được phân tích, xử lí bằng phần mềm STATA 18 với mức ý nghĩa thống kê p < 0,05. Kết quả: Tổng điểm trung bình của các hoạt động tự chăm sóc theo SDSCA của người bệnh đái tháo đường típ 2 là 3,1 ± 1,0, xếp loại ở mức trung bình. Các hoạt động tự chăm sóc như chế độ ăn, hoạt động thể lực, và tuân thủ dùng thuốc đều đạt điểm trung bình, trong khi chăm sóc bàn chân và kiểm tra đường huyết có điểm kém, lần lượt là 1,7 ± 1,5 và 0,3 ± 1,1. Kết quả này cho thấy đối tượng nghiên cứu có mức độ tự chăm sóc khác nhau, với các hoạt động liên quan đến đường huyết và chăm sóc bàn chân ở mức kém. Tổng điểm trung của các yếu tố liên quan đến khả năng tự chăm sóc theo SDSCA cho thấy nam giới có khả năng tự chăm sóc cao hơn nữ giới với điểm trung bình là 3.3 so với 3.0, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0.013). Kết quả này cho thấy giới tính là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc sức khoẻ của người bệnh đái tháo đường. Kết luận: Cần tăng cường các chương trình giáo dục sức khoẻ và hỗ trợ từ cộng đồng để người bệnh hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường típ 2