Tri giác dân tộc là một dạng tri giác xã hội, trong đó thể hiện sự nhận thức, hiểu biết của chủ thể về người khác, nhóm (dân tộc) khác hay chính bản thân (dân tộc) họ. Bài viết này được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 1.239 người dân và học sinh trung học phổ thông thuộc 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm sinh sống tại 6 tỉnh/thành phố trên địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đại đa số những người được hỏi đánh giá tốt về dân tộc khác. Chỉ số này thể hiện quan hệ giữa các dân tộc là tích cực. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, sự hiểu biết, đánh giá tích cực của 4 dân tộc về nhau là kết quả của tình làng nghĩa xóm, của sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Các dân tộc tự đánh giá về mình cao hơn và tốt hơn các dân tộc khác đánh giá về họ. Đây là một đặc thù của tri giác xã hội. Các dân tộc được khảo sát đánh giá về hiểu biết phong tục tập quán, tính cách dân tộc, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn của nhau ở mức độ tốt. Có gần một nửa số người được hỏi đánh giá ở mức tốt khi hiểu biết ba khía cạnh này của các dân tộc khác.