Giai đoạn I: Thí nghiệm Giai đoạn I được thực hiện trong 12 tuần (3/9/2008 – 26/11/2008) và được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với một yếu tố là thức ăn. Thí nghiệm gồm 5 NT theo tỷ lệ phối trộn cá tạp và thức ăn viên. Mỗi NT được lặp lại ba lần vào cùng thời điểm. Cá thí nghiệm được nuôi trong bể composite có thể tích là 200L/bể. Sử dụng hệ thống bể composite với nước tuần hoàn khép kín trong suốt thời gian thí nghiệm. Chiều dài và trọng lượng cá thí nghiệm là 5,17 ± 0,27cm và 1,90 ± 0,30g. Kết quả thí nghiệm cho thấy: - Khẩu phần thức ăn gồm 75% CT + 25% TAV (NT 2) đã giúp cá lăng nha tăng trưởng nhanh nhất, kế đến là hai khẩu phần thức ăn gồm 100% CT (NT 1) và 50% CT + 50% TAV (NT 3) cho kết quả tương đương nhau về mức tăng trưởng và tăng trưởng thấp nhất là cá NT 5 (100% TAV). - Tỷ lệ sống trung bình của cá ở 5 NT đạt rất cao và khác nhau không ý nghĩa thống kê, lần lượt là 92,22 ± 5,09; 95,00 ± 1,67; 95,00 ± 2,89; 95,55 ± 2,55 và 95,00 ± 2,89%. - Tỷ lệ phối trộn CT và TAV đã ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cá lăng nha nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. - Có thể thay thế 100% CT bằng 50% CT + 50% TAV trong nuôi cá lăng nha, sự thay thế này có ý nghĩa trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Giai đoan II: Thí nghiệm nuôi cá thương phẩm trong bè được thực hiện trong 15 tháng (13/01/2009 – 09/03/2010) và được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên với hai yếu tố về mật độ và thức ăn và được chia làm 4 NT và lặp lại ba lần như sau: + Mật độ: + Thức ăn: NT 1 và NT 2: 80 con/m3 NT 1 và NT 3: 100% cá tạp NT 3 và NT 4 : 100 con/m3 NT 2 và NT 4: Thức ăn chế biến Cá tạp dùng cho cá NT 1 và NT 3 có nguồn gốc từ vùng biển Kiên Giang. Thức ăn chế biến bao gồm 75% CT + 25% TAV (kết quả của GĐ I). Chiều dài và trọng lượng trung bình của cá lúc bắt đầu thí nghiệm lần lượt là 12,86 ± 0,05cm và 33,08 ± 0,45g. Kết quả nghiên cứu cho thấy: - Trọng lượng trung bình của cá NT 2 (80 cá/m3 và thức ăn chế biến) cao nhất (1.207,40 ± 311,30g/con) và thấp nhất (981,90 ± 277,60g/con) là cá của NT 3 (100 cá/m3 và cá tạp). - Tính theo 100% protein thì hệ số thức ăn của cá NT 2 thấp nhất (1,99 ± 0,75) và cao nhất là cá NT 3 (3,49 ± 2,01). - Tỷ lệ phân đàn theo trọng lượng của cá ở 4 NT khá cao (từ 25,78 – 32,70%); trong đó, tỷ lệ phân đàn thấp nhất thuộc về NT 2 (25,78%) và cao nhất là NT 4 (32,70%). - Cá của 4 NT đạt tỷ lệ sống thấp là do ba nguyên nhân: thất thoát, nhiễm bệnh và ăn thịt lẫn nhau. Như vậy, kết quả nghiên cứu này cho thấy cần phải tiến hành phân cỡ cá định kỳ để nuôi riêng nhằm giảm thiểu mức độ phân đàn, gia tăng tỷ lệ sống. - Tổng sản lượng cá thu được là 2.324kg. Trong đó, sản lượng cá thu được của từng NT lần lượt là 582kg (NT 1); 714kg (NT 2); 476kg (NT 3) và 552kg (NT 4). - Năng suất trung bình của 4 NT theo thứ tự là 21,60 ± 14,63; 27,10 ± 15,38; 16,53 ± 14,18 và 19,69 ± 16,89kg/m3. Trong đó, năng suất cao nhất là cá lô 1 của NT 2 (44,85kg/m3).