liên kết website
Lượt truy cập
 Lượt truy cập :  17,198,428
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ

Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất trà túi lọc lá húng chanh (theo y học cổ truyền) và đánh giá tác dụng của sản phẩm

Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng

UBND Tỉnh Lâm Đồng

Tỉnh/ Thành phố

GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ

DS CKI.Tăng Lê Quỳnh Trinh, ThS.Nguyễn Thị Lan Chi, BS CKI.Lê Quang Khiết, BS CKI.Trần Thanh Định, BS CKII.Đoàn Thị Quỳnh Như, BS CKII.Nguyễn Quốc Bảo, ThS.Trần Ngọc Trung, ThS. Cao Thị Thu Hương

01/09/2018

01/09/2019

2020

67

Qua các khảo sát trước đây của nhóm nghiên cứu, hàm lượng tinh dầu, thành phần hoạt chất có trong tinh dầu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có sự chênh lệch không đáng kể. Vì vậy, để thuận tiện cho việc thu mua nguyên liệu phục vụ cho nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đặt hàng thu mua nguyên liệu lá Húng chanh ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Tổng khối lượng thu mua: 2000 kg.
Húng chanh sau khi được thu mua về được loại bỏ tạp, làm sạch, để ráo nước và tiến hành khảo sát hàm lượng tinh dầu trong húng chanh tươi và khô sau khi đã được làm khô ở các điều kiện khác nhau: làm khô tự nhiên (phơi âm can), làm khô nhân tạo (sấy trong tủ sấy ở 4 mức nhiệt độ khác nhau từ 35oC; 40oC; 45oC; 50oC).
Kết quả thu được như sau: ứng với 100 kg dược liệu tươi sau khi đã loại tạp và làm sạch, ráo nước, đem đi sấy khô đến độ thủy phần an toàn sẽ thu được khoảng 4,68 ± 0,15 kg dược liệu khô. Các điều kiện, nhiệt độ phơi sấy không ảnh hưởng đến sự hao hụt của dược liệu khi làm mất nước đến độ thủy phần an toàn.
Thời gian làm khô lá húng chanh giảm dần khi nhiệt độ sấy tăng lên. Thời gian để lá húng chanh khô hoàn toàn khi phơi âm can khoảng 310,3 giờ, trong khi đó, khi sấy ở nhiệt độ 45oC thì mất khoảng 47,3 giờ.
Tinh dầu trong lá húng chanh được chưng cất bằng phương pháp cất kéo lôi cuốn hơi nước. Tinh dầu thu được từ lá cây Húng chanh là chất lỏng trong suốt, có màu vàng đến màu vàng sậm, đôi khi có ánh xanh nhạt, mùi đặc biệt, vị cay nóng. Thể tích tinh dầu thu được từ lá húng chanh tươi vào khoảng 0,44 ml; còn thể tích tinh dầu thu được từ lá húng chanh được sấy khô ở 30oC là thấp nhất 0,11 ml, và ở 45oC là cao nhất 0,33 ml.
Định tính, xác định các hợp chất có tác dụng dược lý trong lá Húng chanh theo tiêu chuẩn và quy định của Dược điển Việt Nam V. Các thành phần hóa học có trong húng chanh gồm: aminoacid, protein và diệp lục, các alkaloid, terpenoid, flavonoid, tanin, hợp chất phenolic. Các hợp chất có tác dụng trong dược liệu khô được sấy ở 45oC trong 30 giờ vẫn cho kết quả dương tính với thuốc thử tương đương với dược liệu tươi.
Thành phần các hoạt chất cũng như hàm lượng của chúng có trong lá húng chanh sau khi được sấy khô ở 45oC có sự thay đổi không đáng kể so với trong lá húng chanh tươi.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát quá trình làm khô dược liệu sau khi đã được làm lạnh. Lá húng chanh tươi sau khi đã loại bỏ tạp, làm sạch và để ráo đã được đem đi sấy trong tủ lạnh âm sâu -25oC trong 24 giờ. Sau đó, lá húng chanh được đem đi sấy khô ở các mức nhiệt khác nhau 45oC, 50oC, 55oC, 60oC, 65oC, 70oC. Dược liệu nhanh khô hơn so với khi chỉ sấy khô. Thể tích tinh dầu thu được từ húng chanh khi sấy khô ở 45oC sau khi đã làm lạnh là 0,40 ml, còn nếu thực hiện ở mức nhiệt 50oC sau khi làm lạnh thì thể tích tinh dầu thu được là khoảng 0,33 ml, tương đương với thể tích tinh dầu thu được khi sấy khô ở 45oC. Qua đó, ta thấy rằng có thể làm khô húng chanh bằng cách sấy lạnh húng chanh ở -25oC trong tủ lạnh âm sâu trong 24 giờ và sau đó là sấy khô ở 50oC.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho sản phẩm trà túi lọc lá húng chanh cũng như quy trình sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm này.
Trà và phiếu khảo sát được phát cho Giảng viên, cán bộ viên chức trong nhà trường và những người tình nguyện dùng thử sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Lạt, hoặc tỉnh Lâm Đồng (200 phiếu + 10 túi trà/ phiếu). Kết quả khảo sát được báo cáo như sau:
- Trong 200 đối tượng tham gia nghiên cứu số đối tượng nữ giới gấp 2,85 lần so với đối tượng là nam giới, chiếm 74%.
- Về độ tuổi trung bình là 33 tuổi trong đó lớn nhất là 88 tuổi và nhỏ nhất là 3 tuổi.
- Trong 200 đối tượng nghiên cứu có 68,5% đối tượng đang có triệu chứng viêm họng, 34,5% đối tượng đang bị Viêm mũi dị ứng, 15% đối tượng đang bị viêm thanh quản, 5% đối tượng bị Hen phế quản, 3,5% đối tượng bị viêm phổi cấp và Viêm phổi mạn, và 2% đối tượng bị lao phổi.
- Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện khảo sát số người tham gia nghiên cứu đang có các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, thận.
- Về tình trạng di ứng: trong 200 đối tượng tham gia nghiên cứu có 4,5% dị ứng với phấn hoa, 10,5% dị ứng với bụi nhà, 4,5% dị ứng với phấn hoa, 5,5% dị ứng với mỹ phẩm trang điểm, 2% dị ứng với thịt bò, 3,5% dị ứng với thịt gà, 1% dị ứng trứng, 1% dị ứng với sữa đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành, 5,5% dị ứng với mực, 5% dị ứng với tôm, 4% dị ứng với cua biển, 3% dị ứng với cá biển, 2% dị ứng với dược phẩm.
- Về tình trạng bệnh trước khi tham gia nghiên cứu của các đối tượng được thống kê như sau:
+ 53,5% ho khan, 45% ho có đàm
+ 18,5% tiếng ho nhỏ, 59,5% tiếng ho trung bình và 20,5% tiếng ho lớn.
+ 32,5% ho ít lần trong ngày, 26% ho ít lần nhưng có khi ho thành tràng kéo dài, 16,5% ho nhiều lần, 19% ho nhiều lần có khi thành tràng kéo dài, 4,5% ho nhiều lần trong ngày, có khi ho thành tràng kéo dài và gây nôn.
- Về liều lượng sử dụng: trung bình đối tượng tham gia khảo sát dùng 1,16 túi trà/ lần, dùng 2,79 túi trà/ ngày và tổng số ngày dùng trà là 4,66.
- Về mùi vị của trà: 52,5% số người dùng cho rằng dễ uống, 42% cho rằng uống được và 5 % cho rằng khó uống.
- Đánh giá hiệu quả điều trị: có 85 người (42,5%) cho rằng hết hoàn toàn các triệu chứng, 57 người (28,5%) thấy giảm âm thanh ho, 39 người (19,5%) thấy giảm độ đặc của đờm, 66 (33%) người giảm số lần ho, 26 người (13%) giảm các cơn ho thành tràng dài, 13 người (6,5%) thấy giảm các cơn ho thành tràng gây nôn, 65 người (32,5%) thấy giảm rát cổ họng, 37 người (18,5%) thấy giọng nói bớt khan, trong và rõ hơn và có 2 (1%) người thấy hoàn toàn không có hiệu quả.
- Về tác dụng phụ gặp phải khi dùng trà: chỉ có 15% gặp tác dụng phụ nhẹ, 1% gặp tác dụng phụ trung bình, còn lại 84% hoàn toàn không gặp phải tác dụng phụ nào.
- Có 61,5% người dùng trà thấy hài lòng đối với sản phẩm, 36,5% thấy rất hài long và không có ai không hài lòng về sản phẩm.
- Có đến 88,7% đối tượng tham gia nghiên cứu nói về yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn mua một loại trà bất kỳ đó là chính là chất lượng của sản phẩm, thương hiệu chiếm 5,7%, giá cả của sản phẩm chỉ chiếm 3% và các đối tượng tham gia khảo sát không chú ý đến mẫu mã, bao bì của sản phẩm.
- Có 54,7% đối tượng tham gia khảo sát thấy hài lòng, 39,6% là hoàn toàn hài lòng về chất lượng trà túi lọc lá húng chanh.
- Có 66,0% đối tượng khảo sát cho là bao bì có thiết kế đẹp, 20.8% cho là rất đẹp, không có ý kiến nhận xét nào cho là xấu và rất xấu.
- Chỉ có 22,6% đối tượng tham gia nghiên cứu nhận xét bao bì sản phẩm không ảnh hưởng đến sự quyết định có nên mua sản phẩm hay không. Do vậy thiết kế về bao bì của sản phẩm rất quan trọng đến quyết định có nên mua hay không mua sản phẩm.
- Kết quả khảo sát cho thấy với giá thành 27.000VNĐ/ 1 gói 10 túi lọc trà húng chanh được cho là phù hợp, và 66% vẫn sẽ tiếp tục mua và sử dụng trà túi lọc nếu giá thành tăng thêm 10,000 VNĐ.
- Bên cạnh đó có khoảng 9,4% có ý kiến góp ý thêm cho sản phẩm trà húng chanh như:
+ Đóng gói thành nhiều kích cỡ khác nhau để người tiêu dùng dễ lựa chọn,
+ Cần ghi rõ phụ gia là chất gì trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng an tâm,
+ Chữ “Trà húng chanh” nên có màu vàng sẽ nổi hơn
+ Thêm vị ngọt cho trà húng chanh.

Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng

LDG-2020-016