Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, mỗi tộc người có bản sắc văn hóa khác nhau để từ đó hình thành nên một quốc gia Việt Nam có nền văn hóa đa dạng và thống nhất. Văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam luôn có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong quá trình phát triển của mình, các tộc người vừa có xu hướng bảo tồn các giá trị truyền thống thể hiện được đặc trưng văn hóa tộc người nhưng cũng có xu hướng tiếp thu ảnh hưởng văn hóa của các tộc xung quanh một mạnh mẽ nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu hóa. Sự hội nhập, giao lưu văn hóa vốn là quy luật chung của sự phát triển, nhưng quá trình giao lưu, biến đổi đó thực sự trở thành động lực thúc đẩy văn hóa của mỗi cộng đồng tộc người phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa có một vai trò quan trọng trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế (du lịch, nghề thủ công…), ổn định và phát triển xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để hướng tới phát triển bền vững tộc người. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu biến đổi văn hóa các tộc người thiểu số trong giai đoạn hiện nay để cho thấy được các giá trị văn hóa tích cực cần được bảo tồn và phát huy, những yếu tố văn hóa cản trở hoặc không phù hợp để hạn chế hoặc loại bỏ, để thấy được vai trò quản lý của Nhà nước trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để phục vụ cho sự phát triển, đồng thời từ đó thấy được chính sách về văn hóa của Nhà nước ban hành và thực thi phù hợp với các tộc người ở mức độ nào, những bất cập và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, các nhóm tộc người để từ đó đưa ra những quan điểm, giải pháp nhằm bổ sung, chỉnh sửa, đổi mới và hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa là rất thiết thực, có tác dụng hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cơ quan hoạch chính sách và thực thi chính sách như Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các sở ban ngành của địa phương.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tập trung làm sáng rõ thêm một số nội dung nghiên cứu cơ bản sau:
Một là, Nghiên cứu vai trò của văn hóa tộc người và quá trình biến đổi văn hóa nhằm hướng tới phát triển bền vững tộc người bởi văn hóa không những thể hiện bản sắc riêng của tộc người nhất là trong bối cảnh đa dạng văn hóa, đa dạng tộc người, đa dạng tôn giáo như Việt Nam mà văn hóa còn thể hiện được sức sống bền chặt của cả dân tộc. Để có thể làm rõ vấn đề này, đề tài tập trung làm rõ thực trạng biến đổi văn hóa các tộc người thiểu số theo các nhóm ngôn ngữ, theo các vùng dân tộc và theo các dạng thức văn hóa cụ thể như văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần…, trong đó chú ý nghiên cứu cả các tộc người có dân số đông, ảnh hưởng đến các tộc người khác, các tộc người có dân số ít, trình độ phát triển thấp, các tộc người ở vùng biên giới, các tộc người vẫn giữa tôn giáo truyền thống và các tộc người cải đạo theo tôn giáo khác… để thấy được sự đa dạng về văn hóa, mức độ biến đổi văn hóa của các nhóm cộng đồng tộc người, từng thành tố văn hóa ở các vùng, miền khác nhau.
Hai là, Đề tài tập trung nghiên cứu để làm rõ các yếu tố tác động đến biến đổi văn hóa của các tộc người thiểu số như bối cảnh thê giới, trong nước, những thuận lợi, cơ hội và thách thức, những ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, kinh tế thị trường, đặc điểm nơi cư trú, sự di cư của các tộc người, quá trình chuyển đổi tôn giáo tín ngưỡng, các chính sách của các nước làng giềng, chính sách của đảng và nhà nước, tác động của quá trình toàn cầu hóa…và từ đó dự báo xu hướng biến đổi văn hóa của các tộc người.
Ba là, Đề tài nghiên cứu, đánh giá các chính sách của Đảng và Nhà nước trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tộc người đã được ban hành và triển khai thực hiện tại vùng đồng bào các tộc người thiểu số, đồng thời đánh giá công tác quản lý văn hóa các tộc người thiểu số… để thấy được những mặt tích cực, hiệu quả cần được phát huy, những hạn chế, không phù hợp cần được khắc phục. Trên cơ sở đó mạnh dạn đề nghị những chính sách, mô hình quản lý văn hóa chưa phù hợp để thay đổi hoặc bổ sung, những chính sách, mô hình quản lý tốt để pháp huy nhằm góp phần đổi mới và hoàn thiện chính sách, khắc phục tình trạng ban hành các chính sách, mô hình quản lý văn hóa chung chung cho tất cả các dân tộc, các vùng miền và góp thêm tư liệu để thực hiện tốt công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, đồng thời phản bác lại một số luận điểm của một số nhà nghiên cứu trong áp đặt văn hóa tộc người (chẳng hạn như lấy văn hóa của tộc người đa số áp đặt cho tộc người thiểu số).
Bốn là, Dựa trên kết quả nghiên cứu được của đề tài này, từ góc độ đa chiều như chủ thể văn hóa, quan điểm nhà nghiên cứu, quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đề tài đã đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương nhằm góp phần đổi mới và cụ thể hóa chính sách phát triển văn hóa tộc người, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030 phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và đáp ứng với quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời có giúp cho các nhà hoạch định chính sách nhận diện được bức tranh biến đổi văn hóa, xu hướng biến đổi để có các chính sách, các giải pháp quản lí phù hợp và các địa phương, cộng đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phục dựng và phát triển, khai thác các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, thúc đẩy kinh tế - văn hóa – xã hội phát triển trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và khoa học công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiên nay.