a) Hiệu quả về khoa học và công nghệ:
Công nghệ viễn thám: Đưa ra cách tiếp cận mới để phân tích các phân cực tán xạ ngược của ảnh SAR Sentinel-1, kết hợp với công nghệ GIS để xác định đường đặc tính hồ chứa và nhận biết lúa trên ruộng thể hiện mức độ nắm vững, làm chủ công nghệ của nhóm thực hiện tương đương với trình độ công nghệ của khu vực và thế giới. Việc xác định đường đặc tính lòng hồ bằng công nghệ ảnh viễn thám có ưu điểm là chi phí bằng khoảng 1/10 so với phương pháp truyền thống (sử dụng máy đo đạc bằng thủ công để đo xác định đường đặc tính lòng hồ). Việc xác định diện tích các loại cây trồng bằng công nghệ ảnh viễn thám giúp kiểm soát tự động số liệu tiến độ gieo trồng (10 ngày/1 lần) để làm đầu vào cho phần mềm tính toán nhu cầu sử dụng nước của các hệ thống.
Công nghệ tự động hóa: Kết nối thiết bị quan trắc lắp đặt tại hồ Thượng Sông Trí (được lắp đặt trong đề tài này) và 02 hồ chứa đã được triển khai trong thời gian qua là hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác giúp xác định được lượng nước hiện có trong hồ theo thời gian thực nhằm kiểm đếm nguồn nước, kết hợp với việc tính toán nhu cầu sử dụng nước của hệ thống tưới để cấp đúng, cấp đủ lượng nước theo nhu cầu của cây trồng phù hợp với lượng nước hiện có và dự báo trong tương lai. Việc này giúp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước theo thời gian thực. Đây là một trong những đóng góp mới trong lĩnh vực này được triển khai trong đề tài.
Công nghệ WebGIS: Hiện nay, sử dụng thiết bị di động và bản đồ số (GIS) để điều hành công việc đang là xu thế trên thế giới và ở Việt Nam, vì vậy Đơn vị thực hiện đã sử dụng nền tảng công nghệ WebGIS để xây dựng và phát triển phần mềm. Công nghệ WebGIS hiện nay có hai xu hướng để phát triển phần mềm. Xu hướng thứ nhất: sử dụng công nghệ mã nguồn đóng của hãng ESRI để phát triển, ưu điểm của xu thế này là xây dựng, phát triển phần mềm đơn giản do sử dụng các công cụ có sẵn, nhược điểm: cần phải mua bản quyền với giá tương đối cao (khoảng 600 triệu đồng cho một bản quyền). Xu thế thứ hai: Sử dụng mã nguồn mở của Hiệp hội phát triển mã nguồn mở, ưu điểm của xu thế này là không phải mất chi phí mua bản quyền phần mềm, nhược điểm là cần phải nghiên cứu mã nguồn để tích hợp và phát triển phần mềm. Để chủ động cho việc phát triển, triển khai phần mềm vào thực tế sau này và hiện tại không phải mua bản quyền, Đơn vị thực hiện đã chọn cách tiếp cận phát triển phần mềm là sử dụng mã nguồn mở OpenLayers và MapServer. Như vậy việc xây dựng phần mềm trên nền tảng mã nguồn mở thể hiện mức độ nắm vững, làm chủ công nghệ của nhóm thực hiện tương đương với trình độ công nghệ của khu vực và thế giới.
Phần mềm quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (mùa khô) theo thời gian thực áp dụng cho tỉnh Hà Tĩnh: Xây dựng một hệ thống WebGIS hoàn toàn trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở giúp giảm chi phí với các công nghệ PostgreSQL, PostGIS, Apache, MapServer, phát huy tối đa thế mạnh của các công nghệ này để thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin quản lý được một khối lượng dữ liệu lớn, phình to nhanh theo thời gian, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ cập nhật, truy vấn thông tin cho người dùng trong điều kiện phát triển của công nghệ Internet hiện nay. Những điểm đặc biệt trong thiết kế và xây dựng hệ thống WebGIS có thể kể đến: sử dụng thư viện mở rộng TimescaleDB của PostgreSQL để quản lý dữ liệu quan trắc theo chuỗi thời gian; sử dụng thư viện mở rộng ltree để xây dựng cây quan hệ tưới; sử dụng chỉ số không gian, các lệnh truy vấn không gian để tăng tốc độ tìm kiếm, truy vấn thông tin do PostGIS quản lý; sử dụng cả ngôn ngữ Java và cả ngôn ngữ C để lập trình phần chủ của hệ thống tuỳ vào khối lượng tính toán trong từng module mà phần mềm phải xử lý.
b) Hiệu quả về kinh tế xã hội:
Hệ thống giúp thích ứng với biến đổi khí hậu: Hệ thống xác định được lượng nước hiện có trong hồ theo thời gian thực nhằm kiểm đếm nguồn nước, kết hợp với việc tính toán nhu cầu sử dụng nước của hệ thống tưới để cấp đúng, cấp đủ lượng nước theo nhu cầu của cây trồng hợp với lượng nước hiện có và dự báo trong tương lai. Việc này giúp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước theo thời gian thực. Việc tiết kiệm được nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch khác như cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Hệ thống giúp ứng phó với biến đổi khí hậu: Hỗ trợ người dùng lập kế hoạch tưới cho diện tích trồng lúa theo các biện pháp tưới (khô, ướt xen kẽ, nông - lộ - phơi) không những giúp tiết kiệm nước, tăng năng xuất cây trồng mà còn giúp giảm phát thải nhà kính của lĩnh vực trồng trọt (bằng việc giảm diện tích đất ngâm nước). Sản phẩm của đề tài triển khai trên phạm vi cả tỉnh Hà Tĩnh rộng lớn là góp phần lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng được hệ thống thông tin quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (mùa khô) theo thời gian thực áp dụng cho tỉnh Hà Tĩnh là đã hiện đại hóa được một công trình thủy lợi góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lĩnh vực thủy lợi của tỉnh.
Thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn của đề tài đã giúp nâng cao năng lực quản lý quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật; trong thời gian tới, thành viên thực hiện đề tài sẽ tiếp tục theo dõi, trợ giúp lực lượng này.
Tài nguyên nước được sử dụng hiệu quả góp phần ổn định an ninh nước và ổn định an ninh trật tự xã hội.