Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp từ năm 2001 đến năm 2020, trong lĩnh vực chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành Tư pháp có 52 nhiệm vụ khoa học đã được triển khai thực hiện. Theo đó:
(1) Trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có 03 nhiệm vụ cụ thể, tập trung nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện chiến lược xây dựng pháp luật mà trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xác định nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030;
(2) Trong lĩnh vực thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật có 12 (mười hai) nhiệm vụ (thi hành pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, trách nhiệm giải trình), tập trung nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật;
(3) Trong lĩnh vực xây dựng, phát triển và quản lý Bộ, ngành Tư pháp có 14 nhiệm vụ, các nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường năng lực của Ngành Tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo hướng tinh gọn, phân cấp, phối hợp rõ ràng và bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả;
(4) Trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp có 5 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp;
(5) Trong lĩnh vực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và đào tạo các chức danh tư pháp có 18 nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp và bồi dưỡng cán bộ Tư pháp.
Việc nghiên cứu tổng hợp các kiến nghị theo các lĩnh vực như vậy một mặt, góp phần đánh giá mức độ đóng góp của công tác nghiên cứu khoa học vào quá trình thực hiện chức năng xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành Tư pháp; mặt khác, nhận diện những kiến nghị khoa học trong lĩnh vực chưa được ứng dụng vào thực tiễn nhưng vẫn còn giá trị, từ đó kiến nghị nghiên cứu trong lĩnh vực chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành Tư pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả triển khai nhiệm vụ này sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý ở Bộ Tư pháp nói chung cũng như những đóng góp của các cá nhân, các nhà nghiên cứu nói riêng trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật và phát triển ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài cũng sẽ là một tài liệu hướng tới ngày kỷ niệm 40 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Khoa học pháp lý (1983-2023).
Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ là tài liệu công bố chính thức các kiến nghị khoa học chủ yếu của các hoạt động khoa học từ năm 2001 đến nay. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò và các đóng góp của khoa học pháp lý trong lĩnh vực chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành Tư pháp.