Do có diện tích bề mặt lớn, cấu trúc xốp, kích thước hạt nhỏ và thành phần hóa học đa dạng, tro bay ngày càng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu với vai trò là vật liệu hấp phụ (VLHP) tiềm năng, có khả năng hấp phụ tốt các chất ô nhiễm từ môi trường và hiệu quả trong xử lý nước thải. Tuy nhiên, nghiên cứu sử dụng tro bay để xử lý xanh methylen (MB) trong nước thải còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng hấp phụ MB của tro bay biến tính (TBBT) bằng NaOH rắn 96% ở 600oC trong 1 giờ. Phương pháp hấp phụ tĩnh được sử dụng để đánh giá khả năng hấp phụ MB trong môi trường nước của TBBT với các yếu tố ảnh hưởng như thời gian hấp phụ, giá trị pH của dung dịch và nồng độ MB ban đầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng hấp phụ của TBBT hơn nhiều so với mẫu tro bay thô ban đầu (TB); thời gian đạt cân bằng hấp phụ khoảng 90 phút; giá trị pH tối ưu là 7 với hiệu suất hấp phụ đạt 98,53%; nồng độ MB là 100 mg/l thì dung lượng hấp phụ đạt cao nhất là 16,87 mg/g. Như vậy, sử dụng TBBT để hấp phụ MB không chỉ giúp giải quyết các vấn đề môi trường, tận dụng nguồn chất thải mà còn mang lại lợi ích về kỹ thuật và kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp liên quan.