liên kết website
Lượt truy cập
 Lượt truy cập :  17,139,219
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ

2021 – 30 –013/ KQNC

Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của Di sản Văn hóa làng Trường Lưu

Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh

UBND Tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh/ Thành phố

GSTSKH. Nguyễn Huy Mỹ

CN. Phan Thị Thu Hiền (bút danh: Phan Thư Hiền) - Thư ký, TS. Đỗ Thị Bích Tuyền, TS. Đặng Thị Thúy Hằng, ThS. Cù Thị Nhung, ThS. Lê Công Anh, CN. Phan Trung Hiếu, ThS. Phạm Xuân Phú, CN. Nguyễn Thị Thúy, CN. Nguyễn Thanh Tùng

Xã hội học nói chung

01/04/2020

01/06/2021

2021

Hà Tĩnh

128

Quá trình nghiên cứu về văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy và của làng Trường Lưu đã được các nhà nghiên cứu thực hiện khá liên tục từ trước năm 1945 tới nay. Các học giả lớn như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn đã nhiều lần về Trường Lưu và các nghiên cứu của họ về Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ đã được công bố. Tiếp đó, các tác phẩm Hoa Tiên, Mai đình mộng ký…đã được giới thiệu rộng rãi trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương.
Kể từ năm 1993, sau Hội thảo và Lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Huy Tự, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh giao chúng tôi thực hiện 04 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh[1], các giá trị của các di sản văn hóa Trường Lưu liên tiếp được tuyên truyền, quảng bá trên các hệ thống thông tin đại chúng. Và đặc biệt, sau khi di sản tư liệu Mộc bản Trường học Phúc GiangHoàng hoa sứ trình đồ được ghi danh ở Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á/ Thái Bình Dương(MOWCAP), nhiều hoạt động bảo tồn và quảng bá nhằm phát huy giá trị của di sản (triển lãm, nói chuyện, làm phim phóng sự truyền hình…) đã được chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh cùng dòng họ và bà con nhân dân làng Trường Lưu tiến hành một cách quy mô,bài bản.
Làng Trường Lưu xưa và nay nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị độc đáo, mang tầm quốc tế.
Về di sản văn hóa vật thể: Làng Trường Lưu có 04 di tích cấp quốc gia, 09 di tích cấp tỉnh; cùng với 37 nhà thờ các dòng họ, nhà cổ, 08 cảnh đẹp của làng (là những di tích tiềm năng, hội tụ các tiêu chuẩn, có cơ sở để đề nghị xếp hạng di tích LSVH các cấp).
Về di sản văn hóa phi vật thể: Hết sức phong phú, đa dạng,gắn liền với các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng. Trong đó có Hát ví phường vải là một phần của dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, được UNESCO vinh danh năm 2014; các tác phẩm của dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu được ghi dấu ấn trong Văn phái Hồng Sơn. Tiêu biểu: Nguyễn Huy Oánh là tác giả các sách văn học, địa lý, lịch sử, triết học, giáo dục học…như Phụng sứ Yên đài tổng ca, Thạc Đình di cảo, Bắc dư tập lãm, Hoàng hoa sứ trình đồ, Sơ học chỉ nam; Nguyễn Huy Tự với Truyện Hoa Tiên; Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký; Nguyễn Huy Quýnh với Dần phong thi sao, Quảng Thuận đạo sử tập; Nguyễn Huy Hào với Mai đình mộng thi; Nguyễn Huy Vinh với Chung Sơn di thảo…
Về di sản tư liệu: Làng Trường Lưu có Mộc bản Trường học Phúc Giang Hoàng hoa sứ trình đồ đã được UNESCO vinh danh cấp MOWCAP, năm 2016, 2018. Bên cạnh đó, kho tàng di sản Hán Nôm làng Trường Lưu, có hàng ngàn tư liệu gồm đầy đủ các loại hình như: Sắc phong, văn bản hành chính, trướng, bia, gia phả, văn cúng, sách cổ, hoành phi, bảng gỗ, câu đối…được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng, trong đó những di sản tư liệu có giá trị mang tính toàn cầu.
Toàn bộ hệ thống di sản văn hóa nói trên thuộc quyền sở hữu của dân làng, hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Đối chiếu với các tiêu chí của Chương trình Ký ức Thế giới (MOW), hiện tại ở làng Trường Lưu có một số di sản đáp ứng được hai tiêu chí (III và VI) về việc xét công nhận Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, cụ thể như:
(III). Là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất, hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất (to bear a unique or at least exceptional testimony to a cultural tradition or to a civilization which is living or which has disappeared). Ở trường hợp này là: Bằng chứng độc đáo về truyền thống văn hóa làng, họ tộc, đang tồn tại.
(VI). Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu (to be directly or tangibly associated with events or living traditions, with ideas, or with beliefs, with artistic and literary works of outstanding universal significance). (The Committee considers that this criterion should preferably be used in conjunction with other criteria); (tiêu chuẩn này chỉ duy nhất được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và áp dụng đồng thời với các tiêu chuẩn khác), ở trường hợp này là gắn bó trực tiếp với Truyện Kiều của Nguyễn Du và Hát ví phường vải.      
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa và di sản tư liệu, Hoàng Hoa sứ trình đồ có nhiều đặc thù riêng biệt và hoàn toàn có thể nghiên cứu để lập hồ sơ công nhận di sản tư liệu của MOW.
Vấn đề nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và phát huy giá trị của tư liệu trên của dòng họ Nguyễn Huy nhằm bổ sung cho phần công việc còn khiếm khuyết khi nghiên cứu về văn hóa Trường Lưu và đồng thời cũng để thực hiện tính toàn vẹn khi nghiên cứu về văn hóa làng Trường Lưu và nâng cấp mức độ toàn cầu của di sản tư liệu.
Mục tiêu chính của đề tài: Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa Trường Lưu, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ đề cử Hoàng hoa sứ trình đồ và một số di sản tư liệu khác của làng Trường Lưu vào Danh mục Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp phần vào việc phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch và văn hóa của của Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, theo Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh.
 
[1] Xin đề cập chi tiết từng đề tài ở phần “Tính cấp thiết”.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh

2021 – 30 –013/ KQNC