- Hoàn thiện mô hình quản lý một số hợp tác xã dịch vụ ngoài nông nghiệp tỉnh Bắc Giang
- Nghiên cứu thử nghiệm giống vải chín sớm PH40 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- Công trình thủy điện Đại Ninh (Bon Ron) trên sông thượng Đồng Nai-luận chứng kinh tế kỹ thuật-Tập 5- Tổ chức thi công và giá thành xây dựng công trình-Quyển 1- Tổ chức thi công
- Nghiên cứu xây dựng quy định về khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai
- Đánh giá hiệu quả xã hội của hoạt động du lịch-lấy ví dụ tại Trung tâm du lịch thành phố Hạ Long
- Áp dụng sản xuất sạch hơn tại phân xưởng dệt Picanol và phân xưởng nhuộm hoàn tất tại công ty Dệt Đà Nẵng
- Thu thập một số giống lan hài (Paphiopedilum spp) bảo tồn nhân giống phục vụ nhu cầu sản xuất và du lịch tại thành phố Đà Lạt
- Xây dựng mô hình trồng dưa lưới an toàn trong nhà màng gắn với truy xuất nguồn gốc tại thị xã Duyên Hải
- Thử nghiệm tính thích nghi và chống chịu sâu bệnh của một số giống đậu nành và đậu xanh mới trên vùng đất huyện Tân Châu
- Xác định một số biện pháp kỹ thuật trồng gối giống bông VN35-KS và VN04-4 với ngô nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của việc trồng bông tại Sơn La
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ
2023-58-KQNC-NVCS/14
Tiêu chí xác định một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà ngành Tư pháp đang thực hiện có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm
Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý
Bộ Tư pháp
Cơ sở
TS. Võ Đình Toàn
ThS. Trần Thu Trang, Đ/c Nguyễn Văn Bốn, Đ/c Dương Bạch Long, Đ/c Phạm Tuấn Ngọc, Đ/c Nguyễn Thị Minh, Đ/c Đỗ Thị Thúy Lan, Đ/c Nguyễn Văn Vẻ, Đ/c Nguyễn Thị Thụy, Đ/c Nguyễn Quốc Anh, Đ/c Nguyễn Thị Xuân, Đ/c Lê Thị Tuyết.
Các vấn để pháp luật khác
10/10/2018
10/6/2019
2019
Hà Nội
Dịch vụ hành chính công là loại dịch công vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, người dân. Dịch vụ hành chính công là một loại dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền thực hiện để phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân.
Ở nhiều nước không sử dụng khái niệm dịch vụ hành chính công mà chỉ sử dụng khái niệm dịch vụ công với nghĩa đó là tất cả những dịch vụ nào thuộc về chức năng và trách nhiệm của nhà nước. Mặc dù, không luật hóa khái niệm riêng về dịch vụ hành chính công, nhưng các nước mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của các dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước cung ứng cho các tổ chức, công dân.
Dịch vụ hành chính công có những dấu hiệu để phân biệt với các loại hình dịch vụ công khác như sau:
Thứ nhất, việc cung ứng dịch vụ hành chính công luôn gắn với thẩm quyền hành chính - pháp lý của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ hai, dịch vụ hành chính công là các hoạt động phái sinh từ chức năng quản lý nhà nước và có tính bắt buộc các tổ chức và cá nhân thực hiện nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý của nhà nước.
Thứ ba, dịch vụ hành chính công là những hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận, mà là nghĩa vụ có tính pháp lý của Nhà nước trước nhân dân.
Thứ tư, mọi người dân có quyền ngang nhau trong việc tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ này với tư cách là đối tượng phục vụ của chính quyền.
Về pháp lý, theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thì “dịch vụ hành chính công được hiểu là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước (hoặc tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền) có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.
Đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa dịch vụ hành chính công các dịch vụ công khác là: kết quả của dịch vụ hành chính công là việc cấp cho tổ chức, cá nhân các loại giấy tờ có giá trị pháp lý còn dịch vụ công là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân và cộng đồng, bảo đảm ổn định và công bằng xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo Điều 1 Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định “Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, ….. quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Với chức năng, nhiệm vụ của ngành Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy ngành Tư pháp hiện đang cung cấp rất nhiều loại dịch vụ hành chính công. Các loại hình dịch vụ hành chính công này chủ yếu ở các lĩnh vực như: (1) Lĩnh vực hành chính tư pháp với các hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp (2) Lĩnh vực trợ giúp pháp lý (3) Lĩnh vực đăng ký giao dịch có bảo đảm (4) Lĩnh vực bổ trợ tư pháp với các hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp... Cụ thể, theo công bố trên trang thông tin hướng dẫn các thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp cho thấy, hiện nay, Bộ Tư pháp đang cung cấp 192 thủ tục hành chính, các Sở Tư pháp đang cung cấp 208 thủ tục hành chính, các phòng tư pháp cấp quận huyện cung cấp 60 thủ tục hành chính và Tư pháp cấp xã cung cấp 65 thủ tục hành chính[1] trong đó có nhiều thủ tục thuộc về dịch vụ hành chính công của ngành. Như vậy, có thể thấy rằng dịch vụ hành chính công trong ngành Tư pháp khá đa dạng, bao gồm nhiều loại hình dịch vụ khác nhau....
Các loại hình cơ bản của dịch vụ hành chính công
Chính phủ với vai trò là cơ quan quản lý hành chính nhà nước cao nhất, có nhiệm vụ[2] thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chính phủ đã ủy quyền cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; “quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ"[3]. Do vậy, tùy theo phạm vi quản lý nhà nước của từng Bộ mà mỗi Bộ cung cấp các loại dịch vụ cho các đối tượng là khác nhau. Dịch vụ hành chính công Việt Nam có những đặc trưng riêng gắn với từng loại hình riêng biệt, cụ thể là:
Một là, hoạt động cấp các loại giấy phép: Giấy phép là một loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các tổ chức và công dân để thừa nhận về mặt pháp lý quyền của các chủ thể này được tiến hành một hoạt động nào đó phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp phép.
Hai là, cấp các loại giấy xác nhận, chứng thực, bao gồm: công chứng, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe, đăng ký ô tô, xe máy, tàu thuyền...
Ba là, cấp giấy đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề nhằm chứng minh chủ thể có đủ khả năng và điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật đối với một nghề nhất định nào đó, thí dụ: giấy phép hành nghề luật sư, hành nghề khám chữa bệnh...
Bốn là, hoạt động thu các khoản đóng góp vào ngân sách và các quỹ của Nhà nước. Các hoạt động này gắn với nghĩa vụ mà Nhà nước yêu cầu các chủ thể trong xã hội phải thực hiện.
Năm là, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính. Hoạt động này nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân.
Khi rà soát lại kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành thì theo đánh giá tại Báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2016 và phương hướng, giải pháp công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp cho thấy công tác Tư pháp trong năm 2016 vẫn còn các tồn tại như:
- Công tác quản lý hộ tịch ở một vài địa phương vẫn còn hạn chế, dẫn đến xảy ra tình trạng đăng ký hộ tịch sai thẩm quyền, sai về trình tự thủ tục, dẫn đến việc phải hủy các giấy tờ hộ tịch; còn tình trạng đăng ký chưa kịp thời, chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Còn tình trạng tiêu cực trong khâu giải quyết hồ sơ yêu cầu kết hôn có yếu tố nước ngoài ở một số địa phương. Việc áp dụng biện pháp phỏng vấn trong đăng ký kết hôn có xu hướng bị hành chính hoá;
- Quy định pháp luật về chứng thực với các văn bản pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực chứng thực chưa thống nhất, dẫn đến việc thực hiện còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc (ví dụ Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai; Luật Nhà ở…).
- Việc hướng dẫn triển khai thực hiện quy định của Luật Nuôi con nuôi về vấn đề đăng ký con nuôi thực tế chưa kịp thời theo quy định của Luật nên chưa được quan tâm triển khai đúng mức, đồng bộ trong toàn quốc. Chưa có hướng dẫn quản lý và sử dụng phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài dẫn đến các địa phương còn khó khăn khi triển khai thực hiện.
- Một số địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn người dân thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; một bộ phận cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC vẫn có tâm lý e ngại khi phải tự đối chiếu bản sao với bản chính, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
- Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Chất lượng đội ngũ luật sư chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế.
- Tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa chuyên nghiệp, có quy mô nhỏ; việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất trong một số trường hợp còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật; còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao;
- Hiện tượng tiêu cực trong thi hành án vẫn còn tồn tại: bản án đã có hiệu lực nhưng cơ quan thi hành án không (hoặc chậm trễ) tổ chức thi hành; sai phạm trong việc cưỡng chế thi hành án ở một số địa phương; ...
Về xã hội hóa trong các lĩnh vực công tác của Bộ, trong những năm qua, thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ (giai đoạn 2001-210 và giai đoạn 2011-2020), Bộ Tư pháp đã chủ động trong việc thực hiện xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức và xã hội thực hiện một số hoạt động dịch vụ hành chính tư pháp do Bộ quản lý. Điển hình có thể kể đến một số lĩnh vực như: quản lý luật sư, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý... Các quy định này đã được thể chế hóa thành các quy định cụ thể trong các luật và văn bản hướng dẫn chuyên ngành. Theo đó đã từng bước chuyển giao dần một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và xã hội[4].
Về định hướng chính trị thì theo Báo cáo chính trị Đại hội địa biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 01 năm 2016) đã xác định: “Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt” (Tr 48). Xuất phát từ yêu cầu của đất nước, Quyết định số 53/QĐ-BCĐCCHCCP ngày 13/2/2018 của Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành về Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban chỉ đạo trong đó có nhiệm vụ “Chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện; đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả, thuận tiện, phục vụ theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp”.
Thưc tế trên đây đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu làm rõ về các tiêu chí chuyển giao một số hoạt động và dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm là rất cấp thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp căn cứ để lãnh đạo Bộ và các đơn vi chuyên môn thuộc Bộ có căn cứ để tiếp tục nghiên cứu đề ra định hướng và giải pháp đổi mới trong thời gian tới.
dịch vụ hành chính; chuyển giao cho doanh nghiệp; chuyển giao cho các tổ chức xã hội
Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý
2023-58-KQNC-NVCS/14