Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản ban hành Kế hoạch số 359/KH-CCTS ngày 31/7/2018 thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2018, trong đó có nội dung vận động tuyên truyền nông, ngư dân biết về các loài thủy sinh vật ngoại lai và cam kết không phát tán thủy sinh vật ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức ứng dụng kết quả đề tài vào nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị nhằm quản lý có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Chi cục thủy sản đã tiếp tục triển khai kết quả đề tài đến các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã và thành phố, để tổ chức ứng dụng kết quả đề tài, đồng thời triển khai các quy định mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý các loài thuỷ sinh vật ngoại lai nhằm quản lý có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã in ấn các tài liệu, pano tuyên truyền về thủy sinh vật ngoại lai; tổ chức các lớp tuyên truyền về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai cho người dân tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung khác nhau, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các buổi thuyết giảng cho hơn 700 bà con Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh, đặc biệt đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con, Tăng ni, Phật tử không thả các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại đến môi trường sống của các loài thủy sản, theo tài liệu hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 2018 đến năm 2019, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 02 cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản” qua đó đã tuyên truyền cho 13.678 em học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh hiểu biết về những nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản, trong đó có tác hại của các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại. Kết quả, có 13.678 bài dự thi (cấp Tiểu học có 6.383 bài; cấp Trung học cơ sở có 7.295 bài), trong đó có 56 giải (năm 2018: 01 giải nhất, 03 giải nhì, 05 giải ba, 20 giải khuyến khích; năm 2019: 01 giải nhất, 03 giải nhì, 05 giải ba, 20 giải khuyến khích).
Theo Báo cáo của các đơn vị, có 05 địa phương (huyện Châu Thành, huyện Cù Lao Dung, huyện Long Phú, huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm) đã chủ động tham khảo, ứng dụng kết quả của đề tài trong việc tuyên truyền về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai; 06 địa phương còn lại chỉ phối hợp với Chi cục Thủy sản trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai.
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2018 đến nay, qua công tác thực địa ở các địa phương, chưa ghi nhận loài thủy sinh vật ngoại lai mới để cập nhật vào bản đồ phân bố.
Trường Đại học Cần Thơ đã tham khảo kết quả của đề tài để bổ sung tài liệu thực hiện dự án “Đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ dọc sông Cửu Long” thuộc chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (KHCN-TNB/14- 19) và tích hợp kết quả vào bài giảng Quản lý nguồn lợi thuỷ sản để giảng dạy tại Khoa Thuỷ sản - Trường Đại học Cần Thơ.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã vận dụng kết quả đề tài để lượt khảo tài liệu cho 02 nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện trạng và giải pháp quản lý nguồn lợi thủy sản gắn với quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước ở Hồ Dầu Tiếng; Quan trắc biến động nguồn lợi thủy sản nội địa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý nhà nước.
Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 02 dự án, gồm: Dự án “Thành lập Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh rừng tràm Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng” và dự án “Thành lập Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng”, trong đó, có tham khảo kết quả của đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” để thực hiện 02 dự án nêu trên. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài còn cung cấp các thông tin cho công tác tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham khảo kết quả của đề tài phục vụ cho việc xây dựng các nội dung báo cáo về bảo tồn đa dạng sinh học và loài ngoại lai xâm hại phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đề tài đã cung cấp dữ liệu cho 02 công chức của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng trong quá trình học thạc sĩ chuyên ngành “Nông nghiệp thích ứng Biến đổi khí hậu” tại Trường Đại học Cần Thơ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tài liệu thuyết trình môn học “Phương pháp khuyến nông”. Có 03 sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ, 01 sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng và 01 sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đến Chi cục Thủy sản để xin báo cáo kết quả của đề tài để làm tư liệu tham khảo phục vụ môn học quản lý thủy sản.