Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:
- Yếu tố có ảnh hưởng ý nghĩa đến gia tăng lợi nhuận mô hình sản xuất Rừng - CAT: chi phí giống, chi phí phân, lao động gia đình.
- Yếu tố có ảnh hưởng ý nghĩa đến gia tăng lợi nhuận mô hình sản xuất Rừng - Màu: chi LĐ gia đình, chi phí lãi suất tiền vay, trình độ học vấn và sống tại rừng.
- Yếu tố có ảnh hưởng ý nghĩa đến gia tăng lợi nhuận mô hình sản xuất Rừng - CDL: trình độ học vấn và điều kiện sống tại rừng. Ngược lại, yếu tố chi phí thuốc BVTV có ảnh hưởng ý nghĩa giảm lợi nhuận mô hình.
- Yếu tố có ảnh hưởng ý nghĩa đến gia tăng lợi nhuận mô hình sản xuất Rừng - CN: chi phí phân, trình độ học vấn và điều kiện sống tại rừng.
- Cơ cấu chi phí ở mỗi loại hình sản xuất sẽ không đồng nhất với nhau về mặt đầu tư. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi phí sản xuất ở mô hình Rừng - CAT, chiếm 48,6%; trong khi đó, chi phí phân bón lại chiếm tỷ trọng cao nhất trong mô hình Rừng - Màu, chiếm 42,5%; ở mô hình Rừng - CN, chi phí giống lại là chi phí cao nhất của mô hình, đạt 95,8%. Các yếu tố đầu tư vật chất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... đã tới ngưỡng và đang có xu hướng giảm năng suất và lợi nhuận ở các mô hình. Trong khi đó, cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc và kỹ thuật lao động, trình độ học vấn của nông hộ. Bên cạnh đó, điều kiện nông hộ sinh sống tại rừng luôn là yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng năng suất ở các mô hình.
- Cả 4 mô hình đều có hiệu quả kinh tế. Mô hình Rừng - CN đạt lợi nhuận thấp nhất 14,99 triệu đồng/ha, kế đến là mô hình Rừng - Màu lợi nhuận đạt 25,33 triệu đồng/ha, mô hình Rừng - CAT đạt 45,17 triệu đồng/ha và đạt lợi nhuận cao nhất là mô hình Rừng - CDL đạt 51,35 triệu đồng/ha; tuy nhiên, hiệu quả đồng vốn ở mô hình Rừng - CAT là 1,89 cao hơn 3 mô hình Rừng - CDL, Rừng - Màu và Rừng - CN tương ứng là 1,69; 0,75 và 0,58. Do đó, Mô hình Rừng – CAT đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Chủ hộ vùng nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, trình độ dân trí còn thấp; từ đó, việc ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất còn hạn chế. Vùng nghiên cứu còn nhiều khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là khó khăn về nguồn nước tưới và giao thông đi lại.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế các hoạt động sản xuất của vùng đồi núi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, qua kết quả nghiên cứu, đề tài xin đưa ra một số kiến nghị sau:
- Vì giới hạn nhiều yếu tố khách quan, nên đề tài còn nhiều khía cạnh liên quan đến các mô hình mà chưa đi sâu phân tích. Vì thế, kiến nghị với các tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các nội dung liên quan ngoài các nội dung mà đề tài đã phân tích, đánh giá. Để có thể có những giải pháp tổng hợp cụ thể hơn cho việc phát kiển kinh tế hộ sản xuất NLKH của vùng nghiên cứu nói riêng và vùng đồi núi tỉnh An Giang nói chung. Đặc biệt là các giải pháp về quy hoạch vùng ven chân đồi núi và sinh kế người dân tộc Khmer trong vùng.
- Cần khuyến cáo cho người dân áp dụng mô hình Rừng – CAT và mô hình Rừng-CDL, phù hợp với điều kiện đồi núi, đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường, tạo thêm thu nhập cho người dân và giữ được rừng.
- Cần tổ chức và vân động người sản xuất tích cực tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các lớp tập huấn để cải thiện và nâng cao kỹ thuật; đồng thời, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường trước khi sản xuất.
- Tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đặc sản tại địa phương, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Tạo điều kiện để nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Có những chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng đồi núi, vùng dân tộc phù hợp về lãi suất, thời gian vay và điều kiện vay cho các nông hộ.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm và có cơ hội tiếp cận với thị trường nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao, vùng đồi núi để người dân có đủ nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và phục vụ PCCCR trong mùa khô.