Đề tài nghiên cứu khoa học trên có ý nghĩa rất thiết thực, gắn liền với việc triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Ninh Bình; có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, các giải pháp đã góp phần giải quyết những khó khăn cho cán bộ quản lý và giáo viên trung học trong quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
- Các mô hình của Đề tài giúp cán bộ quản lý, giáo viên trung học nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với việc thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các hoạt động trải nghiệm,hướng nghiệp qua các mô hình nhân rộng làm cho nội dung giáo dục không bị bó hẹp trong sách vở, mà gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội; là con đường gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kĩ năng sống, niềm tin đúng đắn ở học sinh, hình thành những năng lực cần có của con người trong xã hội hiện đại; là con đường để phát triển toàn diện nhân cách học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
+ Giúp cho việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với các môn học khác được coi là một phương pháp học của học sinh, làm tăng giá trị cho bản thân người học. Đó là một quá trình trong đó chủ thể (học sinh) trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động và giao lưu phong phú, đa dạng, học sinh tự biến đổi mình, tự làm phong phú mình bằng cách thu lượng và xử lý thông tin từ môi trường xung quanh. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh trong quá trình trải nghiệm thể hiện được giá trị của bản thân mình, thiết lập được các quan hệ giữa cá nhân với tập thể, với các cá nhân khác, với môi trường học và môi trường sống. Sự trải nghiệm có ý nghĩa sẽ huy động tổng thể các giá trị của cá nhân từ cảm xúc đến ý thức và hành động. Sự trải nghiệm huy động toàn bộ năng lực hành động, sự liên kết trách nhiệm của bản thân với xã hội. Các hoạt động trải nghiệm là sự hiểu biết của con người không phải tạo ra một bản sao thực tế mà phải hành động để “chế biến” và biến đổi thực tế mà họ quan sát được. Môi trường học tập tương tác trong đó có sự gắn kết giữa nhận thức với cảm xúc xã hội và hành vi của người học trong những tình huống học tập sống động. Trong quá trình người học trải nghiệm và hoạt động, một lượng lớn thông tin có thể được truyền qua lại với nhau trong môi trường kiến tạo xã hội, các học thuyết, lý thuyết, định luật, nguyên lý có thể được hình thành và củng cố bởi chính sự khám phá của người học hoặc bởi sự truyền thụ kiến thức từ người học hiểu biết hơn (đóng vai trò như chuyên gia) sang người học còn chưa biết (đóng vai trò như người hưởng thụ, người được giúp đỡ). Như vậy, kiến thức được xây dựng và chiếm lĩnh bởi chính cá nhân người học hoặc được xây dựng và củng cố trong môi trường kiến tạo xã hội.
+ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh tăng cường sự hiểu biết và tiếp thu các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị tốt đẹp của nhân loại; nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội; ý thức định hướng nghề nghiệp của mỗi học sinh.
+ Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp giúp học sinh củng cố các kỹ năng đã có, trên cơ sở đó, tiếp tục rèn luyện và phát triển các năng lực tự hoàn thiện, năng lực thích ứng, năng lực giao tiếp, ứng xử, năng lực hoạt động chính trị - xã hội, năng lực tổ chức quản lý, năng lực hợp tác ... của học sinh.
+ Quá trình trải nghiệm giúp cho học sinh có thái độ đúng đắn trước những vấn đề của cuộc sống, biết chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân: đấu tranh tích cực với những biểu hiện sai trái của bản thân (để tự hoàn thiện mình) và của người khác, biết cảm thụ và đánh giá cái đẹp trong cuộc sống.
- Với ý nghĩa thiết thực trên, hiện nay các mô hình này đã được triển khai có hiệu quả cao trong các nhà trường. Từ 8 mô hình đã được nhân rộng thành nhiều mô hình mới với các cách thức thể hiện phong phú và được thực hiện thường xuyên, liên tục trong các nhà trường. Việc thực hiện các mô hình này không chỉ giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường trung học phổ thông trong tỉnh thực hiện tốt các quy định mà còn phát huy năng lực sáng tạo của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên trong quản lý giáo dục và giảng dạy ở đơn vị mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường trung học ở Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay.
- Các cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài cũng giúp cho các cán bộ quản lý cấp Sở, phòng, trường nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, bổ sung kiến thức cho công tác quản lý và giảng dạy trong nhà trường.
- Qua các mô hình này giúp cho các cơ quan, ban, ngành có liên quan (trường đại học, cao đẳng) và các Sở, ban ngành tham khảo khi quan tâm đến các vấn đề tổ chức hoạt động giáo dục trong trường trung học.