Về lý luận
1.1. Xây dựng và chứng minh các luận điểm khoa học về Hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan HCNN:
Luận điểm 1- Thi hành pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật, là chức năng đặc trưng, xuyên suốt của các cơ quan hành chính nhà nước và là yếu tố quyết định vận hành thông suốt hệ thống pháp luật hướng tới quản trị quốc gia tốt trong Nhà nước pháp quyền XHCN.
Luận điểm 2 - Thi hành pháp luật phải hướng tới hiệu quả. Hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước chịu tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước được đánh giá bằng các tiêu chí thể hiện kết quả trung gian là pháp luật được tuân thủ và kết quả cuối cùng là mục tiêu của pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững với chi phí hợp lý.
Luận điểm 3 - Theo dõi và Đánh giá thi hành pháp luật (TD&ĐG THPL) dựa trên kết quả (mục tiêu) là một nội dung của tổ chức thi hành pháp luật của cơ quan HCNN, góp phần gắn kết mục tiêu xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan HCNN hướng tới quản trị quốc gia tốt trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
1.2. Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã đưa ra 12 phát hiện chính về những bất cập và nhu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật gắn liền với tổ chức thi hành pháp luật:
Về thực tiễn:
Đề tài đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan HCNN (gồm 04 nhóm tiêu chí thành phần đánh giá hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, mức độ tuân thủ pháp luật, mức độ đạt được các mục tiêu pháp luật thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá mức chi phí của nhà nước và xã hội để thi hành pháp luật).
Dựa trên Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật, Đề tài đã phối hợp với Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật dựa trên kết quả (mục tiêu). Bộ công cụ này đã được đưa vào ứng dụng thí điểm trong công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp và một số bộ,ngành, địa phương phục vụ cho việc Đổi mới và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật theo Đề án của Chính phủ.
Tham gia, đóng góp vào các hoạt động thực tiễn của Bộ, ngành Tư pháp nhằm hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ giúp chính phủ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật, cụ thể:
+ Đóng góp xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật dựa trên kết quả; triển khai hoạt động thí điểm áp dụng Khung theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu ở một số bộ, ngành, địa phương, tạo cơ sở thực tiễn để Bộ Tư pháp ban hành thông tư về Chỉ số, phương pháp theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật của cơ quan HCNN. Năm 2023 Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch Tổng kết 05 năm thực hiện Đề án này (Quyết định số 430/QĐ-BTP ngày 22/03/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
+ Đóng góp về các nội dung cơ bản của Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 05/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật: sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
+ Đóng góp về các nội dung cơ bản của Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/2021 hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/ NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/ NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.